Tôn trọng và lắng nghe học sinh

VNHNO – “Nhân cách không chỉ được hình thành bởi những gì nghe và nói, mà chủ yếu phải được hình thành bởi chính sự nỗ lực hành động của mỗi cá nhân.

Muốn giáo dục nhân cách tốt cho học sinh, thầy cô phải có phẩm chất và năng lực sư phạm tốt. Không nên áp đặt mà hãy thực sự tôn trọng, lắng nghe để thấu hiểu tâm lý của các em”… Nhân dịp đầu năm học mới, NGƯT, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đã chia sẻ với chúng tôi những lời tâm huyết về sự nghiệp “trồng người”.

Phóng viên (PV): Là người gắn bó với sự nghiệp giáo dục đã hơn 50 năm, mỗi dịp khai giảng năm học mới thường gợi cho ông điều gì?

NGƯT, TS Nguyễn Tùng Lâm: Trong cuộc đời hầu như ai cũng đi lên từ thuở học trò. Ngày xưa, thế hệ chúng tôi náo nức, ấn tượng với ngày khai giảng để được mặc quần áo mới, được gặp bạn bè, thầy cô sau kỳ nghỉ hè. Năm học mới có nhiều niềm vui mới, nhưng cũng có những thử thách mới mà học trò đều phải vượt qua. Chính vì vậy, khi làm quản lý chúng tôi phải luôn nghĩ đến học trò. Ở các nước, người ta chỉ tổ chức khai giảng cho học sinh lớp 1, có cả bố mẹ tham dự rất long trọng, còn các lớp khác thì lễ khai giảng vừa phải, có nơi thầy hiệu trưởng đến chúc mừng các trò vào ngày đầu tiên của năm học mới là xong. Nước ta vẫn duy trì lễ khai giảng chung cho tất cả các lớp phổ thông.

PV: Hiện nay, toàn ngành giáo dục đang gấp rút chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới nhằm chuyển đổi mạnh mẽ quá trình giáo dục từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho học sinh. Theo ông, các trường phổ thông cần phải chuẩn bị như thế nào để đạt được mục tiêu này?

NGƯT, TS Nguyễn Tùng Lâm

NGƯT, TS Nguyễn Tùng Lâm: Để phát triển tốt năng lực và phẩm chất cho học sinh, trước hết nhà trường phải có đội ngũ giáo viên có đủ phẩm chất và năng lực sư phạm. Còn hiệu trưởng cũng phải là nhà giáo dục, nhà sư phạm tâm huyết để có những cách làm mới, đưa ra các hoạt động cụ thể để giáo dục học sinh. Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đổi mới dạy và học, cần quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường để thầy trò chia sẻ với nhau những điều hay lẽ phải, sân khấu hóa kiến thức đã được học và phải có không gian cho học sinh thực hành. Kết hợp giáo dục kiến thức từ sách vở với các hoạt động ngoại khóa, tổ chức giao lưu, thi văn nghệ thể thao, thời trang, nấu ăn, lửa trại… Thông qua đó, thầy cô giáo dục kỹ năng sống, văn hóa ứng xử cho các em, đồng thời có thể đánh giá được năng lực, sở trường, tâm lý, tình cảm, phẩm chất của học sinh.

PV: Môi trường giáo dục của nhà trường có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách học sinh. Theo ông, thầy cô cần phải ứng xử như thế nào để học sinh noi gương và cảm thấy trường học thực sự là nơi thân thiện, văn minh?

NGƯT, TS Nguyễn Tùng Lâm: Thời gian qua, tất cả những chuyện xảy ra ở trường này trường kia, những căng thẳng giữa thầy cô và học trò kéo dài hay các vụ bạo lực học đường… đều có một phần nguyên nhân từ lối giáo dục quyền uy, áp đặt từ người thầy. Thầy cô luôn cho là mình đúng, có người còn khó chịu với những thắc mắc, tranh luận của học sinh, không hiểu tâm sinh lý lứa tuổi các em nên dễ mắc sai lầm về phương pháp giáo dục. Theo tôi, chúng ta cần phải kiên quyết thay đổi lối giáo dục đó. Bởi người thầy chỉ là một cá thể, là người chịu trách nhiệm dẫn dắt học trò chứ không phải là chân lý. Thầy cô cần phải tôn trọng học trò, phải biết lắng nghe để thấu hiểu học trò hơn, tránh áp đặt. Muốn tôn trọng học trò, thực sự hiểu được học trò thì thầy cô phải có năng lực, nghiệp vụ sư phạm tốt. Muốn có năng lực, nghiệp vụ sư phạm tốt thì không có cách nào khác là phải chịu khó tự bồi dưỡng, tự học tập rèn luyện rút kinh nghiệm thường xuyên từ thực tiễn hằng ngày, không ngừng cải tiến phương pháp dạy… Người thầy tốt là người thầy biết truyền cảm hứng tích cực cho học trò, tạo động lực tốt để các em tiến bộ. Họ phải đo được hiệu quả giáo dục của mình, chứ thực tế có thể nhiều thầy cô rất chăm chỉ, nhưng đi theo đường mòn, dạy cho hết ngày, không có sáng tạo thì sẽ không có hiệu quả tốt cho học sinh, không những khiến các em không thích học mà còn thấy mệt mỏi, áp lực khi đến trường.

PV: Được biết, 30 năm nay, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) mà ông là thành viên sáng lập, là nơi tiếp nhận những học sinh có cá tính mạnh, học sinh yếu kém từ các trường khác chuyển sang… Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc giáo dục học sinh cá biệt?

NGƯT, TS Nguyễn Tùng Lâm: Có thời kỳ rất nhiều học sinh yếu kém, vi phạm kỷ luật bị các trường đuổi học. Trước thực trạng đó, tôi chợt nghĩ, chẳng nhẽ tất cả những học sinh bị đuổi học đều phải vào trường giáo dưỡng? Chính vì thế, ngay từ khi thành lập Trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng năm 1989 (nay là Trường THPT Đinh Tiên Hoàng), chúng tôi xác định là sẵn sàng tiếp nhận tất cả những học sinh từ trường khác loại ra, học sinh gặp khó khăn (hay còn gọi là đầu vào không được chọn lọc). Hằng năm, trường đều tiếp nhận khoảng 20-30% học sinh khó khăn về hoàn cảnh sống; có cá tính mạnh, lệch chuẩn nhận thức, hành vi; học lực yếu, không có động lực học; chưa chiếm được niềm tin của gia đình, nhà trường, xã hội… 30 năm qua, chúng tôi đã tổng kết được một mô hình giáo dục không chọn lọc đầu vào, đó là phải có triết lý giáo dục nhân văn: Nhân cách không chỉ được hình thành bởi những gì nghe và nói, mà chủ yếu phải được hình thành bởi chính sự nỗ lực hành động của mỗi cá nhân. Nhà trường phấn đấu giáo dục học sinh có nhân cách phát triển điều hòa, năng động sáng tạo.

Cô Nông Thị Hồng, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Hoa Thám (Nguyên Bình, Cao Bằng) cùng các học sinh đến trường khai giảng năm học mới

Để đáp ứng yêu cầu của người học và giáo dục có đầu ra tốt (học sinh biết tự rèn, tự phát triển phẩm chất, năng lực, tự khởi nghiệp; được gia đình, xã hội tin tưởng sử dụng), nhà trường luôn chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, có quan điểm giáo dục tiên tiến, có phương pháp giáo dục phù hợp, không áp đặt học sinh, tận tâm, tận tụy giúp đỡ học trò tiến bộ. Hằng năm, chúng tôi tổ chức hai lần cho học sinh đánh giá giáo viên. Không lấy tiêu chuẩn bằng cấp làm thước đo mà đo sự tận tâm, tình thương học trò, nghiệp vụ sư phạm của giáo viên.

Học sinh đánh giá giáo viên theo 5 tiêu chuẩn: Dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ, biết động viên, hướng dẫn học trò học và có sử dụng thiết bị giáo dục hay không? Qua đó, nhận xét cách giáo dục, phương pháp dạy của giáo viên có phù hợp với mình hay không, có thể kiến nghị thay đổi giáo viên nếu thấy không phù hợp với việc học và rèn luyện bản thân. Nếu giáo viên có phiếu tín nhiệm thấp từ học sinh sẽ không được tiếp tục giảng dạy. Ngoài ra, trường còn có Văn phòng tư vấn tâm lý học đường để giúp đỡ, giải tỏa tâm tư, nguyện vọng cho các học sinh gặp khó khăn, khúc mắc trong học tập, rèn luyện, bị áp lực từ gia đình hay các mối quan hệ thầy trò trong nhà trường cũng như trong cuộc sống…

PV: Dư luận đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc đổi mới thi cử ở nước ta trong những năm tới. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

NGƯT, TS Nguyễn Tùng Lâm: Theo tôi, việc học tốt nhất không nên dùng thi cử để gây áp lực cho học trò. Học sinh phải nhận thức được là không phải học vì bố mẹ, vì điểm số hay vì thi cử, mà là để phát triển bản thân. Thầy dạy phải nghĩ ra được cách giúp trò học phát triển bản thân. Tôi được biết, ở nhiều nước tiên tiến không tổ chức kỳ thi quốc gia như chúng ta. Học đến đâu kiểm tra đến đó, rất nghiêm túc. Học sinh nào chưa đạt, phải học lại rồi kiểm tra tiếp, đến khi nào đạt được kết quả tốt thì mới thôi. Trong giáo dục tuyệt đối không được mắc bệnh thành tích, thiếu trung thực hay gian dối.

Về lý tưởng là chúng ta đã đạt được nhưng để làm được thực tế thì không hề đơn giản. Vì trình độ học sinh các vùng miền, trình độ giáo viên chúng ta không đồng đều, nếu không kiểm soát thì chất lượng giáo dục sẽ đi xuống. Do vậy, trước mắt trong một vài năm tới, theo tôi vẫn phải tổ chức cho học sinh thi một cách nghiêm túc. Muốn kỳ thi nghiêm túc, trung thực thì quy chế thi phải chặt chẽ, đề thi phải phù hợp với học sinh, không phải đánh đố, đề phải có những câu hỏi thông minh hơn, không nên nặng về học thuộc lòng… Đến khi nào chúng ta đạt được trình độ học để phát triển bản thân học sinh thì sẽ không cần phải tổ chức kỳ thi chung quốc gia nữa.

PV: Theo ông, khoảng 20-30 năm nữa, hệ thống giáo dục nước ta cần đổi mới như thế nào để có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đưa đất nước phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn?

NGƯT, TS Nguyễn Tùng Lâm: Ở nước ta đã có rất nhiều mô hình giáo dục tốt, nhưng hạn chế lớn nhất là cơ chế quản lý giáo dục không phân định rõ trách nhiệm của các cấp. Chẳng hạn: Thiếu phòng học cho học sinh thì chính quyền địa phương phải lo, không thể để sĩ số học sinh/lớp quá đông như ở một số quận của Hà Nội hiện nay. Và cũng không thể để cùng một quận, huyện mà mấy trăm giáo viên bị cắt hợp đồng dạy học. Nếu giao quyền tự chủ cho các nhà trường thì cũng phải làm rõ trách nhiệm tự chủ đến đâu. Tôi được biết, ở một số nước, khi giao quyền tự chủ cho các trường thì việc giáo viên cho điểm học sinh sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về điểm số đó, hiệu trưởng không can thiệp được.

Để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực tốt cho tương lai đất nước thì cần phải thường xuyên thực hiện đồng bộ 3 giải pháp: Phải quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo; tổ chức quản lý hiệu quả và đầu tư cơ sở vật chất tốt cho giáo dục. Giáo dục tiên tiến đến đâu thì phải đầu tư cơ sở vật chất phù hợp đến đó. Học đi đôi với hành thì mới có thể có nguồn nhân lực đủ mạnh đáp ứng tốt mọi yêu cầu công việc mà thực tiễn đất nước đặt ra.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Thanh Minh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.