Phụ nữ thủ đô với việc rèn những thói quen hành vi văn hóa ứng xử cho trẻ vị thành niên trong mỗi gia đình

Giáo dục hành vi văn hoá ứng xử cho trẻ vị thành niên trong gia đình là một nội dung công việc hết sức quan trọng trong mỗi gia đình; Nó không chỉ là việc làm bắt buộc để giúp trẻ trong quá trình hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện quá trình trở thành người lớn. Nó còn là giải pháp để buộc những người lớn trong gia đình phải gương mẫu trong hành vi ứng xử và phải tự điều chỉnh những mối quan hệ trong gia đình để sao đạt được “trong ấm ngoài êm” của mỗi gia đình có văn hóa. Vì thế xây dựng hành vi văn hoá là việc làm quan trọng để có được một nền tảng vững chắc cho một gia đình hạnh phúc. Chúng tôi mong muốn mỗi gia đình phụ nữ Thủ đô đều được sống trong mái ấm gia đình văn hoá, gia đình hạnh phúc.

Về giải pháp giáo dục hành vi văn hoá ứng xử (VHƯX) cho trẻ Vị thành niên (VTN) trong gia đình (GĐ) chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề chủ yếu sau:

Trước hết chúng ta phải thống nhất quan niệm VHƯX là những hành vi, những việc làm, cách ứng xử của mỗi người trong gia đình phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, phù hợp phong tục tập quán, từng vùng miền, phù hợp truyền thống thói quen tốt đẹp trong mỗi gia đình và được lặp đi lặp lại một cách tự nhiên, được mọi thành viên trong gia đình tự giác thực hiện.

Mặt khác chúng ta đều biết sự phát triển nhân cách của mỗi con người đều mang đậm sắc thái cá tính, cá nhân của mỗi người. Do đó chỉ chú ý bắt con trẻ nhất nhất theo đầy đủ những quy định đồng loạt thống nhất của mọi người trong gia đình là chưa đầy đủ, lại là phản giáo dục, trái với quy luật quá trình hình thành phát triển nhân cách của mỗi người. Mỗi người cần có những cá tính, những bản sắc riêng, những khoảng trời “tự do riêng” nếu không cho những nét riêng để mỗi người được tự do phát triển thì đấy cũng là những thiệt thòi lớn của mỗi con trẻ trong quá trình trưởng thành.

Muốn xây dựng những VHƯX cho trẻ VTN trong mỗi gia đình chúng ta phải luôn chú ý cân bằng giữa việc xây dựng những nề nếp theo chuẩn mực chung và sự phát triển cá tính riêng của con trẻ. Có nhận thức đầy đủ như vậy mỗi thành viên trong mỗi gia đình mới dễ chấp nhận nhau, dễ bao dung, tha thứ cho nhau. Đây là những điều kiện hết sức quan trọng để gắn kết các thành viên trong gia đình, khích lệ trẻ hình thành những hành vi văn hoá ứng xử.

Một lưu ý khác là trẻ VTN rất dễ bắt chước, thích học theo cái mới, cái lạ một cách thiếu suy nghĩ chín chắn, do việc trẻ du nhập những hành vi thường xảy ra ngoài xã hội, chỗ đám đông, từ sinh hoạt bạn bè ở trường, ở đường phố vào sinh hoạt gia đình… những người lớn cũng phải biết chấp nhận để rồi hướng dẫn phân tích cho trẻ hiểu dần đúng sai để tự lựa chọn, điều chỉnh sao cho không mất sự hồn nhiên của trẻ mà vẫn giữ được nề nếp gia phong.

Mặt khác trẻ VTN trưởng thành và phát triển tâm tính theo từng tuổi một, đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi chi phối khá nhiều về nhận thức, tình cảm, hành vi của trẻ. Mỗi thành viên trong gia đình nhất là bố mẹ phải thường xuyên quan tâm đến thay đổi của trẻ thì việc hướng dẫn, yêu cầu về các hành vi ứng xử có văn hoá mới phù hợp.

Chỉ có trên cơ sở thống nhất được những quan niệm về sự hình thành những VHƯX của trẻ VTN như vậy, chúng ta mới có điều kiện lựa chọn các biện pháp giáo dục VHƯX cho trẻ trong gia đình:

Biện pháp đầu tiên, cũng là biện pháp quan trọng mà mỗi gia đình làm thường xuyên và bền bỉ là xây dựng cho trẻ VTN có thói quen thể hiện VHƯX trong gia đình. Có cháu khi đến trường, ra xã hội rất có ý thức trong sinh hoạt, trong ứng xử, luôn lễ phép, khiêm tốn, cới mở được mọi người yêu mến, nhưng về nhà do cha mẹ nuông chiều, không biết hướng dẫn con cái, các cháu cứ tự do thoải mái ứng xử theo ý thích, bản năng chứ không quan tâm thái độ của những người xung quanh; dẫn đến nhiều hành vi thiếu văn hoá. Những hành vi thiếu văn hoá trong gia đình không được uốn nắn kịp thời thì những hành vi có tốt đẹp ngoài xã hội cũng sẽ tàn lụi dần, thay vào đó là những hành vi bản năng vô văn hoá.

Ngược lại nếu rèn được nề nếp, hành vi văn hoá ứng xử trong gia đình một cách bền vững thì trẻ VTN đến trường học, ra ngoài xã hội bao giờ cũng ứng xử có chuẩn mực hơn những trẻ ngay trong cuộc sống gia đình không được giáo dục hành vi văn hoá ứng xử một cách thường xuyên.

Do đó biện pháp rèn thói quen VHƯX cho trẻ VTN là vô cùng quan trọng. Theo các nhà tâm lý học, thói quen chỉ được hình thành khi phối hợp được 3 mặt: tri thức, kỹ năng, động cơ. Hay nói một cách khác để hình thành được các thói quen cho trẻ vị thành niên, chúng ta phải trả lời được 3 câu hỏi:

  • Trẻ phải làm những cái gì? tại sao phải làm những cái đó?
  • Để làm được cái đó trẻ phải làm như thế nào?
  • Làm thế nào để trẻ có được động cơ thiết tha mong muốn làm cái đó một cách bền vững?

Như vậy để giúp trẻ có được những thói quen ứng xử, có hành vi văn hóa hợp chuẩn mực văn hoá trong gia đình thì trẻ phải được trang bị những tri thức, những hiểu biết khá cặn kẽ về những điều cha mẹ định hướng dẫn. Muốn trẻ lễ phép, thưa gửi với người lớn tuổi, ôn tồn, nhẹ nhàng với người dưới tuổi… thì trẻ phải nhận thức được chuẩn giá trị tôn trọng ở mỗi con người. Mỗi con người đều có nhu cầu được tôn trọng, nhưng người ta thường có xu hướng muốn người khác phải tôn trọng mình còn việc mình phải tôn trọng lại người khác thường bị bớt xén bị cho qua.

Muốn cho trẻ luôn có ý thức xắp xếp đồ đạc trong nhà một cách ngăn nắp phải chỉ cho trẻ là làm được như vậy thường xuyên là để dễ tìm, dễ sử dụng các đồ đạc, còn mang lại thẩm mỹ, tạo cho căn phòng luôn gọn gàng, sạch đẹp. Làm được như thế cũng là để người khác tôn trọng mình và cũng là hành vi mình luôn luôn tôn trọng người khác đến nhà mình…

Sau tri thức là kỹ năng, cha mẹ phải kiên trì gợi ý hoặc bầy vẽ cụ thể để các cháu có hiểu biết để tiến hành một công việc. Muốn giót được một chén nước mời khách, mời ông bà, cha mẹ sau bữa ăn phải biết để miệng ấm lên thành chén ra sao, tại sao phải bê hai tay khi mời người lớn tuổi… từng việc nhỏ đều phải để ý và hướng dẫn các cháu dần dần làm quen. Khi các cháu làm tuỳ tiện, làm lấy được lại phải kiên trì nhắc nhở. Hiện nay nếp sống công nghiệp, cha mẹ bận rộn vội vã, thường ít quan tâm cử chỉ việc làm nhỏ của trẻ nên thường các cháu dễ mất nề nếp. Làm sao chúng ta gây được dư luận xã hội, tuyên truyền để mọi gia đình đừng quên đi những việc “nhỏ nhặt” này chúng ta mới có cái lớn hạnh phúc gia đình, gia đình văn hoá.

Cha mẹ không khéo hướng dẫn trẻ dễ nản, làm cho qua loa thì không thành nề nếp, thành thói quen thì không đạt hành vi văn hoá. Thậm chí không dựa vào tính tình, tình cảm lúc vui buồn của trẻ, cũng dễ thất bại. Lúc náo trẻ làm sai cũng nói ngay, bắt làm lại ngay trẻ dễ khùng, không tiếp thu. Lựa lời chỉ dẫn và yêu cầu trẻ là cả một nghệ thuật.

Do đó các nhà tâm lý mới khuyên chúng ta không chỉ cung cấp tri thức để trẻ biết phải làm cái gì và tại sao phải làm cái đó? Phải giúp trẻ có kỹ năng, có cách để thực hiện những cái chúng muốn làm hay cái ta bắt chúng phải làm. Nhưng để trẻ tự giác làm và làm một cách lâu bền. Đó là phải tác động thế nào để trẻ có động cơ khi hành động, mọi hành động của trẻ phải xuất phát từ sự mong muốn làm cha mẹ vụi lòng, đều mong muốn mình là người có văn hoá. Là người thật sự được mọi người yêu mến và mình cũng mong muốn thể hiện tình cảm yêu mến với mọi người. Tạo ra động lực để trẻ tự giác hành động là việc làm cực kì khó khăn nhưng không thể hiểu hành vi nào của trẻ cũng phải có đầy đủ ba mặt mới thành kỹ năng mà có khi chỉ cần làm tốt việc hướng dẫn tri thức, kỹ năng, trẻ làm mãi thấy thoải mái, thấy thích thú thì đấy cũng chính là động cơ. Hoặc có những động cơ lớn như yêu thương, quý trọng cha mẹ, ông bà, muốn làm vui lòng cha mẹ, ông bà khiến trẻ có động lực làm nhiều việc tốt. Cốt yếu khi muốn tạo thói quen hành vi văn hoá ứng xử cho trẻ chúng ta phải quan tâm đủ ba mặt là quan trọng.

TS. Nguyễn Tùng Lâm