PGS. Trần Kiều, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng để con học tập tại nhà không phải là lựa chọn hoàn hảo.
PGS. Trần Kiều
Liên quan đến việc nhiều ông bố, bà mẹ quyết định cho con nghỉ học tại trường để tự học ở nhà gây tranh luận trong xã hội thời gian qua, PGS. Trần Kiều, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, có nguyên tắc là trẻ em phải được giao lưu, học tập. Trẻ con đến trường đầu tiên là có nhu cầu giao lưu. Thứ hai, là học tập.
Việc học tập không phải chỉ là chuyện cá nhân mà còn bao hàm trong đó tính tập thể. Ở các nước phát triển, ví dụ như Úc, người ta buộc phải cho con học ở nhà vì trường học ở xa quá và bố mẹ dạy con học. Nhưng không thể xem đó là cách dạy tốt. Không nên đồng nhất việc cá nhân hóa học tập với việc ở nhà học một mình.
Xét dưới góc độ nhà tâm lý, theo ông, việc cho trẻ học tập tại nhà không đến trường sẽ có tác động như thế nào đối với mỗi đứa trẻ?
Tôi cho rằng, với một đứa trẻ, điều cần thiết là được giao lưu với xã hội. Có thể bố mẹ ở nhà dạy trẻ vẫn hiểu bài, vẫn có kiến thức, nhưng với trẻ em, đâu phải chỉ có thế? Nên nhớ, điều rất quan trọng là trẻ con cần bè bạn trong mọi hoạt động.
Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm cho con ở nhà học. Nếu điều này đúng thì các nước phương Tây, các nước phát triển họ thực hiện hết từ lâu. Ở những nước này vẫn còn trường hợp cho con học ở nhà nhưng đó chỉ là trường hợp hạn hữu. Đó không phải là phong trào, không phải là cách thức tổ chức học tập cho con có cơ sở khoa học. “Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm cho con ở nhà học. Không nên vì những tiêu cực, hạn chế của giáo dục mà buộc con mình bỏ trường. Gặp tiêu cực thì phải tìm cách khắc phục chứ không phải tìm cách giữ con ở nhà”
Ở Việt Nam, những gia đình cho con học ở nhà lý do một phần là họ không đồng ý với những tiêu cực trong giáo dục. Ông nghĩ sao?
Tôi nghĩ không vì những tiêu cực, hạn chế của giáo dục mà buộc con mình bỏ học tại trường tự học ở nhà. Gặp tiêu cực thì phải tìm cách khắc phục chứ không phải tìm cách giữ con ở nhà. Có thể trong hoàn cảnh cụ thể của họ thì họ đều có lý do nhưng nếu là tôi thì tôi không bao giờ để con cháu của mình như thế.
Để nuôi dạy một đứa trẻ, không phải chỉ cần có kiến thức. Mà cái quan trọng là nó phải cùng với bạn bè, cùng học tập, cùng ganh đua trong môi trường giáo dục. Chứ không phải học hành trong sự cô lập, đơn điệu.
Xin cảm ơn ông!
Theo Tiền Phong